Blog tin tức > Úc > Quản lý tài chính
Quản lý tài chính
Khi đến Úc du học, việc cần thiết là quản lý nguồn tiền, nộp thuế đầy đủ và có tài khoản ngân hàng. Hầu hết các nơi ở Úc đều mang đến nhiều lựa chọn thanh toán bao gồm tiền mặt, séc, thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng và chuyển khoản. Nắm vững các phương thức thanh toán và hệ thống tài chính bên Úc sẽ giúp sinh viên quản lý chi tiêu hiệu quả và hợp lý
1. Ngân hàng
Bạn nên có tài khoản ngân hàng ở Úc vì hầu hết các phúc lợi của chính phủ, tiền lương,… sẽ gửi thẳng vào tài khoản. Thời gian tốt nhất để mở tài khoản là trong vòng 6 tuần kể từ khi đến Úc. Trong thời gian này, bạn chỉ cần giấy tờ tùy thân duy nhất là hộ chiếu. Còn sau 6 tuần, bạn cần ít nhất 2 giấy tờ tùy thân bao gồm hộ chiếu và giấy tờ khác chẳng hạn như bằng lái xe, ảnh hoặc chữ ký,…
1.1. Lựa chọn ngân hàng phù hợp
Ở Úc có 4 ngân hàng lớn được gọi là “big four”. Cụ thể là Commonwealth Bank of Australia (CBA), Westpac Banking Corporation (WBC), National Australia Bank (NAB) và Australia and New Zealand Banking Group (ANZ). Bốn ngân hàng này chiếm khoảng 80% thị phần ngân hàng tại Úc. Ngân hàng cung cấp một loạt các sản phẩm và dịch vụ tài chính cho cá nhân và doanh nghiệp, bao gồm tiền gửi, cho vay, thẻ tín dụng, bảo hiểm, đầu tư và tư vấn tài chính.
Ngoài ra, Úc cũng có nhiều ngân hàng trong và ngoài nước khác, hiệp hội xây dựng và tín dụng. Bạn có thể tìm hiểu thêm để mở tài khoản ngân hàng phù hợp.
1.2. Các tài khoản khác
Các tổ chức tài chính cung cấp đa dạng dịch vụ từ thẻ tín dụng, tài khoản tiết kiệm và cho vay tiền. Việc sử dụng các dịch vụ này có thể giúp bạn có đủ khả năng mua các món đồ đắt tiền. Tuy nhiên bạn phải ý thức được khả năng hoàn trả và trách nhiệm của mình.
2. Thuế
Bạn phải nộp thuế cho Chính phủ Úc trong thời gian sinh sống ở đây. Thuế được đánh vào nhiều thứ khác nhau bao gồm thu nhập, mua hàng hóa và dịch vụ. Cơ quan Thuế Úc (ATO) chịu trách nhiệm về việc đánh thuế các cá nhân và tổ chức ở Úc.
2.1. Mã số thuế
Bạn cần phải đăng ký với Cơ quan Thuế Úc (ATO) để lấy mã số thuế (TFN) ngay sau khi đến Úc. TFN là mã số duy nhất được cấp cho các cá nhân hoặc tổ chức nhằm mục đích nhận dạng và lưu giữ hồ sơ.
Mã số TFN là cần thiết để nhận các phúc lợi từ chính phủ, tiền lương từ chủ lao động. Đồng thời khi muốn nhận các khoản vay giáo dục, bạn cũng cần kê khai mã TFN để đáp ứng đủ điều kiện.
Cách nhanh nhất để có được TFN là đăng ký trực tuyến 24/7. Bạn sẽ cần kê khai chi tiết thông tin hộ chiếu và địa chỉ ở Úc, điền đơn đăng ký theo mẫu có sẵn. Trong vòng 28 ngày kể từ ngày ATO nhận được đơn đăng ký, bạn sẽ nhận được TFN qua đường bưu điện.
Bạn cần cung cấp TFN của mình cho người sử dụng lao động khi bắt đầu một công việc mới. Hãy cẩn thận với những trường hợp yêu cầu TFN vì chỉ một số tổ chức nhất định mới có quyền yêu cầu hợp pháp.
2.1. Kê khai thuế thu nhập
Nếu bạn đang làm việc có thu nhập khi sống tại Úc, bạn phải hoàn thành tờ kê khai thuế thu nhập cho ATO. Tờ kê khai thuế làm bằng chứng cho thu nhập và xác minh bạn có đóng đầy đủ thuế hay không. Bạn cần có mã số thuế TFN để nộp tờ kê khai và sẽ nhận lại một bản tóm tắt các khoản thu nhập.
Có thể lựa chọn kê khai thuế trực tuyến hoặc trên giấy:
- Trực tuyến: Đây là cách nhanh chóng và dễ dàng nhất để nộp tờ khai thuế. Bạn có truy cập tài khoản myGov để kê khai miễn phí.
- Trên giấy: Nếu không thể kê khai thuế trực tuyến, bạn có thể tải xuống tờ khai thuế trên trang web của Cục Thuế Úc (ATO).
Tờ khai thuế phải được hoàn thành và gửi đến ATO trước ngày 31 tháng 10 hàng năm.
3. Chi phí sinh hoạt
3.1. Thiết lập ngân sách
Thiết lập ngân sách tài chính khi đi du học Úc là một bước quan trọng để đảm bảo bạn có đủ chi phí để trang trải cho việc học tập và sinh hoạt. Thực phẩm, học phí, tiền nhà, đi lại và điện nước,.. là những khoản bạn cần phải trả.
Sau khi xác định được các khoản chi phí cần thiết, bạn cần tính toán tổng chi phí để trang trải cho việc học tập và sinh hoạt tại Úc. Bạn có thể sử dụng các công cụ tính toán ngân sách du học trực tuyến hoặc tham khảo ý kiến của các chuyên gia tư vấn du học.
Từ các khoản chi tiêu và nguồn thu nhập, bạn có thể lập ngân sách chi tiêu để đảm bảo chi tiêu hợp lý và tiết kiệm. Ngân sách chi tiêu nên được lập theo từng tháng để dễ dàng theo dõi và điều chỉnh.
3.2. Tư vấn tài chính
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc quản lý tài chính, bạn có thể truy cập các trang web tài chính của chính phủ để nâng cao kiến thức. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng dịch vụ của cố vấn tài chính. Họ có thể cho bạn lời khuyên về đầu tư, chi tiêu, mua bất động sản và nhiều vấn đề tài chính dài hạn khác.